Lắng nghe thiên nhiên qua thế giới sách

Theo TTO|04/10/2019 07:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Rừng Amazon cháy, băng tan ở Bắc Cực và cận kề là không khí ô nhiễm ở Hà Nội. Thiên nhiên đang gửi đến con người những lời cảnh báo.

Thế giới sách kỳ này giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách về chủ đề sống xanh, bảo vệ môi trường gây chú ý gần đây.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu tháng 9 vừa rồi, hình ảnh gây tranh cãi của Greta Thunberg đòi hỏi những “người lớn” phải có những biện pháp mạnh mẽ để cải thiện tình trạng Trái đất khiến thế giới chia làm hai phe: ủng hộ và phản đối. Điều này làm ta nhớ đến Rachel Carson năm 1962 phải ra điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ vì tác phẩm Mùa xuân vắng lặng của mình.

Mặt tối của cuộc chạy đua cách mạng công nghiệp

Cho đến nay, Mùa xuân vắng lặng (Khánh An dịch, Phương Nam và NXB Thế Giới) vẫn được xem là kinh điển trong số những tác phẩm viết về môi trường. Không chỉ vạch ra những mặt tối của cuộc chạy đua cách mạng công nghiệp ở các nước tư bản, Carson còn lên án việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu vô tội vạ trong nông nghiệp, gây những tác động rất xấu đến môi trường cũng như sức khỏe con người, biểu hiện trực tiếp là căn bệnh ung thư.

Cùng tư tưởng trên, người được mệnh danh là “cha đẻ của nông nghiệp tự nhiên” Masanobu Fukuoka (1913-2008) hướng đến một nền nông nghiệp hài hòa với thiên nhiên, thông qua tác phẩm Cuộc cách mạng một-cọng-rơm (XanhShop dịch, Phoenix Books và NXB Tổng Hợp), Fukuoka thể hiện lòng sùng kính của một lão nông trước đất đai, ruộng đồng đã ban tặng cho ông những sản vật tốt cho sức khỏe, giúp Fukuoka thọ 95 tuổi, trong khi Carson chỉ hai năm sau Mùa xuân vắng lặng xuất bản, đã qua đời vì bệnh ung thư, biến mình thành minh họa về tác động của thuốc hóa học lên con người.

50 năm qua, lời cảnh tỉnh của Rachel Carson vẫn nguyên giá trị. Chúng ta vẫn đi trên cái lằn ranh giữa chọn lựa phát triển và hủy hoại môi trường. Trong suốt khoảng thời gian đó, không thiếu những lời “đe dọa” Trái đất đang đến hồi tận diệt như Mark Kurlansky tuyên bố trong Khi loài cá biến mất (Lê Nhật Thắng dịch, R.E.A.D Books và NXB Thế Giới) chỉ ra viễn cảnh khi loài cá biến mất hoàn toàn trên Trái đất, hay gần đây Elizabeth Kolbert đưa ra tiên đoán về một Đợt diệt chủng thứ sáu (Trần Trọng Hải Minh dịch, Nhã Nam và NXB Tri Thức) do các hoạt động sản xuất của con người đã thải ra môi trường quá nhiều carbon dioxide, làm axit hóa các đại dương, phá rừng để lấy đất xây dựng, canh tác…

“Sống xanh” đang là chủ đề được nhiều độc giả trẻ quan tâm – Ảnh: Quang Định

Tiêu dùng thông minh, hạn chế thải nhựa

Bên cạnh việc kiếm tìm những giải pháp vĩ mô, nhiều người đang có xu hướng quan tâm những hành động nhỏ thiết thực gần gũi hơn, tiêu biểu là hạn chế sử dụng đồ nhựa và thải nhựa ra môi trường như cách Hiệp hội Bảo tồn biển đã làm, khi nêu lên hiện trạng nhựa được sử dụng quá nhiều và thiếu ý thức trong Đời không plastic (Hoàng Ngọc Phố dịch, Huy Hoàng và NXB Dân Trí).

Cùng niềm hi vọng mỗi người lưu tâm loại bỏ những sản phẩm nhựa không cần thiết, Martin Dorey bày cách “làm thế nào để cứu thế giới chỉ với hai phút mỗi ngày?” trong cuốn sách No. More. Plastic (Quỳnh Chi dịch, Nhã Nam và NXB Thế Giới).

Chưa bao giờ như hôm nay, khẩu hiệu “cứu lấy hành tinh/Trái đất” được nhắc đi nhắc lại nhiều đến thế. Nhưng chúng ta sẽ tự cứu mình bằng cách nào đây? Theo tác giả Ben Johnson trong Zero Waste Home – Nhà Không Rác (Đoàn Thơm – Trường Huy dịch, Thái Hà Books và NXB Công Thương), con người không chỉ đang gánh chịu những mối nguy về sức khỏe mà còn đối diện với sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên vì nhu cầu sản xuất và tiêu thụ. Do đó, ông hướng con người đến hành động tiêu dùng thông minh, nhằm hạn chế tạo ra lượng rác thải không cần thiết.

Chúng ta đang tránh né hay thực sự không hiểu những vấn đề môi trường? Chúng ta có dành thời gian trở về thiên nhiên, để lắng nghe, thấu hiểu thứ thật sự đang bảo vệ mình như Henry David Thoreau với Walden – Một mình sống trong rừng? Cũng đắm mình trọn vẹn vào rừng, trong cuốn Shinrin-Yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật (Nguyễn Ngà dịch, Thái Hà Books và NXB Công Thương), tác giả Quing Li hồi tưởng lại thờ thơ ấu của mình giữa thiên nhiên qua hoạt động “tắm rừng”, nghĩa là lắng nghe tiếng lá xào xạc, ngửi mùi thơm, nhìn sắc hoa và chạm vào cỏ.

Hay như trong Tinh thần sống xanh (Phạm Mây Mây dịch, Phanbook và NXB Văn Hóa – Văn Nghệ), Florence Williams nhắc nhở con người kết nối với thiên nhiên – nguồn năng lượng giúp ta khỏe mạnh, sáng tạo hơn. Đi sâu hơn, với tác phẩm Đời sống bí ẩn của cây (Thanh Vy dịch, Phương Nam và NXB Thế Giới), Petter Wholleben cảm nhận về rừng như một thực thể có linh hồn, để rồi khi gấp sách lại, người đọc sẽ có cái nhìn khác về mỗi cành cây ngọn cỏ và nhận ra đời ta cũng không khác gì đời sống của một cái cây.

Qua từng tác phẩm, mỗi tác giả đang đưa một giải pháp để cố “cứu lấy hành tinh”, à không, “cứu lấy chính ta” mới đúng!

Theo TTO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe thiên nhiên qua thế giới sách