Phân loại rác thải tại nguồn: Nhiều tỉnh thành đã triển khai các chương trình thí điểm
Theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, từ 31/12/2024, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Một số địa phương như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Hậu Giang đã triển khai các chương trình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn đạt kết quả đáng khích lệ.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhân rộng mô hình điểm, sáng kiến hay
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày, Việt Nam thải ra khoảng 64.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có tới 70% được xử lý bằng cách chôn lấp. Phần lớn rác thải được thu gom chưa qua phân loại, dẫn đến lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Việc phân loại rác thải tại nguồn giúp giảm lượng rác thải đưa vào các bãi chôn lấp, từ đó giảm nguy cơ ô nhiễm đất, nước và không khí. Hơn nữa, khi rác được phân loại, các vật liệu có thể tái chế như nhựa, giấy, kim loại sẽ được tận dụng tốt hơn, giảm thiểu nhu cầu khai thác tài nguyên mới. Và việc phân loại tại nguồn còn giúp tiết kiệm chi phí xử lý rác đồng thời thông qua việc phân loại rác từng bước nâng cao ý thức cộng đồng, người dân dần hình thành thói quen và ý thức bảo vệ môi trường.
Dù mang lại nhiều lợi ích, song việc phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Phát biểu tại một cuộc họp gần đây, lãnh đạo TP. Hà Nội nhấn mạnh rằng việc phân loại rác thải tại nguồn là một nhiệm vụ cấp thiết để cải thiện môi trường đô thị và hướng tới phát triển bền vững. Qua việc triển khai các chương trình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn cho kết quả còn hạn chế, có thể xuất phát từ ba nguyên nhân: Nhận thức của người dân; thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ và sự đồng bộ trong chính sách quản lý rác thải.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác thải, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Lãnh đạo cũng yêu cầu các quận, huyện triển khai nghiêm túc các kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn, kết hợp với việc áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa hiệu quả xử lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
Phân loại rác thải tại nguồn là giải pháp quan trọng trong chiến lược quản lý rác thải bền vững, giúp giảm thiểu lượng rác chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ ô nhiễm môi trường và rác thải sinh hoạt thì tại Yên Bái đã xuất hiện nhiều sáng kiến hay góp phần thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả.
Theo UBND tỉnh Yên Bái, mặc dù là tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn về kinh tế và có nhiều nét đặc trưng về địa hình nhưng tỉnh đã triển khai nhiều sáng kiến để thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Điển hình như các chương trình điểm về phân loại rác tại các khu đô thị ở TP. Yên Bái. Thông qua việc cấp phát miễn phí thùng đựng, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, TP. Yên Bái đã xây dựng được mô hình xử lý rác hữu cơ bằng cách ủ phân vi sinh bắt đầu từ hai phường Nguyễn Thái Học và Đồng Tâm, sau đó nhân rộng lên toàn địa bàn thành phố bằng việc xây dựng các mô hình điểm như “Tuyến đường thu gom, phân loại rác thải tại nguồn”; tổ chức ra quân phát động chiến dịch thu gom phân loại rác thải; xây dựng mô hình ngôi nhà xanh để thu gom rác thải tái chế; tổ chức sơn kẻ vị trí để rác thải tại các hộ gia đình trên tuyến đường chính; thành lập tổ kiểm tra kiểm tra việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các xã, phường...
Đến nay, tại 15/15 xã, phường, các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đã cơ bản chấp hành việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, đưa đến nơi tập kết và thời gian đúng quy định. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ thực hiện phân loại rác thải trên địa bàn thành phố đạt 83%. Tỷ lệ các hộ dân đã tiến hành phân loại rác tại nguồn đạt 95%. Chất lượng phân loại rác thải trong dân đạt 65%.
Với những vùng nông thôn, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế, ý thức người dân về phân loại rác chưa đồng đều và cơ sở hạ tầng thu gom chưa đồng bộ. Yên Bái triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục và thông qua các tổ chức xã hội tổ chức các chiến dịch truyền thông sáng tạo và phù hợp với từng đối tượng để nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác thải, tạo động lực cho cộng đồng tham gia.
Xây dựng các mô hình phân loại phù hợp với điều kiện thực tế
Tại tỉnh Hà Nam, việc phân loại rác tại nguồn đã được triển khai từ năm 2018, với các mô hình “3R” (Reduce - Reuse - Recycle) được áp dụng tại TP. Phủ Lý, chính quyền sở tại đã phát miễn phí thùng rác cho các hộ gia đình để phân loại thành rác hữu cơ và rác tái chế. Kết quả, đến nay, lượng rác tái chế thu hồi tăng 15% so với trước khi triển khai chương trình.
Là một trong những tỉnh công nghiệp lớn, Thái Nguyên đối mặt với lượng rác thải sinh hoạt và công nghiệp ngày càng gia tăng. Để triển khai việc phân loại rác thải sinh hoạt tại khu công nghiệp và khu dân cư đạt hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thí điểm tại một số khu công nghiệp như Sông Công và các khu dân cư lớn ở TP. Thái Nguyên, bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ.
Là tỉnh miền núi biên giới, có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ văn hóa không đồng đều, sau khi nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã triển khai công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo các mô hình phân loại rác phù hợp với điều kiện thực tế.
Đơn giản như tại các bản làng ở thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà, các cấp đoàn thể, chính quyền ở đây đã xây dựng mô hình bảo vệ môi trường theo hướng cộng đồng. Thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, người dân được hướng dẫn về cách phân loại rác, cách sử dụng rác hữu cơ để làm phân bón cho nông nghiệp. Từ những buổi sinh hoạt cộng đồng này mà ý thức người dân ở vùng đô thị, đã được nâng cao đáng kể. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại còn kết hợp với trường học, lồng ghép kiến thức về phân loại rác vào các tiết học trải nghiệm, sinh hoạt... Từ đó lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt đến từng gia đình và cộng đồng.
Với tỉnh Hậu Giang, sau gần 4 năm triển khai Đề án “Hậu Giang xanh”, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến nay đạt 92,13%. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, Đề án “Hậu Giang xanh” được triển khai từ năm 2018 đến năm 2022, sau gần 4 năm triển khai, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 92,13%; trong đó, khu vực đô thị là 93,60%, khu vực nông thôn 91,53%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 91,43%. Hàng trăm tổ vệ sinh môi trường ở các ấp, khu vực được thành lập, qua đó đã vận động hơn 3.580 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản không phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường thực hiện ngừng nuôi hoặc di dời đến nơi phù hợp, thu gom, chuyển giao xử lý hơn 43.970 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thông qua Đề án, tỉnh Hậu Giang cũng đã đưa nội dung chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào quy chế, quy ước và bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa tại 75/75 xã, phường, thị trấn; 96,04% tổng số hộ dân đã được tiếp cận với các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường do các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức; đầu tư 1.125 xe kéo tay thu gom rác sinh hoạt và bao gói thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng v lắp đặt gần 6.200 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụn và thùng chứa dọc theo các tuyến đường giao thông.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, nhằm phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, bổ sung xe thu gom, thùng chứa rác, tăng cường hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt đồng thời xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm để việc bảo vệ môi trường trở nên thường trực trong mỗi người dân.