Quảng Bình: Hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, nước lũ tiếp tục dâng cao

Minh Tâm|09/10/2020 14:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mưa lũ những ngày qua ở Quảng Bình đã làm 12.616 ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng, giao thông bị chia cắt.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh đang có mưa to đến rất to, nhiều nơi lượng mưa đo được rất cao như Minh Hóa 742mm, Trường Sơn 618mm, Kiến Giang 468mm. Mực nước tại trạm Đồng Hới vượt mức báo động III 43cm, trạm Lệ Thủy vượt mức báo động III 59cm, trạm Kiến Giang vượt mức báo động III 166cm. Dự báo trong thời gian tới, mưa lớn còn tiếp tục kéo dài.

Đến trưa ngày 9/10, toàn tỉnh Quảng Bình có 12.616 ngôi nhà bị ngập, hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng. Riêng vùng rốn lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa có trên 550 nhà bị ngập sâu.

Hiện tại nhiều địa phương của Quảng Bình vẫn đang bị chia cắt cô lập do mưa lũ như: huyện Minh Hóa với 16 bản/3 xã. Tại huyện Tuyên Hóa 3 thôn,bản/1 xã; huyện Bố Trạch 6 bản/1 xã; huyện Quảng Ninh: 5 xã bị chia cắt giao thông; huyện Lệ Thủy với 7 bản/2 xã; huyện Quảng Trạch có xã Phú Hòa và thôn Kinh Nhuận của xã Cảnh Hóa, thôn Thuận Hòa của xã Liên Trường.

Chiếc cầu là nơi đậu đỗ xe lý tưởng của người dân trong mùa lũ.

Trong số 12.616 nhà dân bị ngập thì ở huyện miền núi Minh Hóa bị nặng nhất. Riêng tại vùng “rốn lũ” xã Tân Hóa của huyện này đã có hơn 550 nhà bị ngập sâu từ 1 – 2,5m; xã Yên Hóa có 50 hộ bị ngập đến 1m; xã Minh Hóa có trên 10 nhà ngập trên 2m; thị trấn Quy Đạt 17 hộ ngập lũ….Các trường học, trụ sở làm việc bị ngập từ 0,5 – 1m.

Trước đó, chính quyền địa phương và người dân Tân Hóa cũng đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 2.000 con của xã lên vùng cao để tránh lũ. Cùng với đó, hiện toàn bộ người dân trong xã đã có nhà phao, nhà bè để “sống chung với lũ” nên không có thiệt hại về người.

Một góc chợ Chiều tại thị trấn Kiến Giang.

Thông tin từ UBND huyện Minh Hóa cho biết: hiện địa phương này có 16 bản của 3 xã Trọng Hóa (Lòm, Cây Dừa, Pa Chong…); các bản Tà Rà, Hà Nông, Ka Vi, Oóc, Ka Ai của Dân Hóa và các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa bị ngập, cô lập và chia cắt.

Trường hợp bà Hồ Thị Núc (1979, ở bản Ba Looc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) trong lúc đi xúc cá ở bản Ka Vi bị điện giật (do cột điện đổ) vào 7 giờ 30 hôm qua đang được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, hiện đã qua cơn nguy kịch.

Tại huyện Quảng Ninh có 4.338 nhà/13 xã, thị trấn, ngập sâu từ 0,5 – 1m và ngập tại trụ sở chính quyền xã Trường Sơn; Huyện Lệ Thủy có 7.650 hộ bị ngập nước. Mưa lũ cũng làm hư hỏng nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi của người dân.

Nhiều nhà dân, hàng quán ngập chìm trong biển nước.

Ảnh hưởng do mưa lũ, giao thông trên địa bàn bị tắc ở nhiều điểm như: Km17+ 00 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; Km681+500 (xã Gia Ninh) QL1; Km65+400 – Km68+800 (qua thị trấn Quy Đạt) QL12A; Nhiều vị trí trên QL15, QL9B, QL9C, đường tỉnh 559, 559B, 562…

Nhằm giúp bà con chống lũ, ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, các lực lượng như Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh duy trì nghiêm kíp trực. Thường trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị, sẵn sàng lực lượng cơ động, phương tiện để tham gia cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt khi có lệnh. Bên cạnh đó, chuẩn bị lương thực ,thực phẩm, nhiên liệu… để ứng phó và hỗ trợ nhân dân khi có tình huống. Tổ chức lực lượng chốt chặn, cảnh báo hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các nơi nước lũ cao, điểm xung yếu nguy hiểm.

Nước lũ dâng cao, khiến các tuyến đường giao thông ngập chìm trong biển nước.

Các địa phương chủ động triển khai lực lượng, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản, nhất là những nơi thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài..

Các xã, phường, thị trấn triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là qua các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp. Tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua khe, suối… khi đang có mưa lũ.

Minh Tâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, nước lũ tiếp tục dâng cao