TP. HCM: Kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị xả thải ra môi trường

Thu Hà (T/h)|09/10/2018 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VN – Ngày 8-10 vừa qua, UBND TP giao UBND quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh kiểm tra thường xuyên và phải thực hiện công tác cập nhật dữ liệu về các nguồn thải xả trực tiếp ra lưu vực sông Chợ Đệm và kênh Xáng Ngang.

>>>Xác định nguyên nhân cá bớp chết hàng loạt tại Quảng Ngãi

>>>Cầu Giấy – TP. Hà Nội: Mương Đồng Bông ô nhiễm trầm trọng bởi rác và nước thải của các hộ gia đình, doanh nghiệp

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, các địa phương phối hợp với Sở TN-MT tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước, để chấm dứt cơ bản tình trạng ô nhiễm ở 2 khu vực trên.

Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP tăng cường công tác kiểm tra việc vận hành, bảo trì các hệ thống thu gom nước thải, nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu chế xuất và khu công nghiệp trên địa bàn; yêu cầu các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng khu chế xuất và khu công nghiệp xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đối với các khu chế xuất và khu công nghiệp theo quy định của Bộ TN-MT.

Trong đó, tập trung xây dựng các biện pháp phòng ngừa đối với sự cố môi trường liên quan đến quá trình vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của các khu chế xuất và khu công nghiệp.

Sở GTVT TP, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP triển khai hiệu quả các dự án cải tạo, nạo vét, khai thông, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại lưu vực sông Chợ Đệm – kênh Xáng Ngang theo phân cấp quản lý của UBND TP.

Thời gian tới, bên cạnh các giải pháp kiểm soát ô nhiễm đang triển khai thực hiện, UBND TP giao Sở TN-MT phối hợp với các UBND quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh cập nhật thường xuyên các cơ sở dữ liệu về nguồn thải xả thải trực tiếp ra lưu vực sông Chợ Đệm – kênh Xáng Ngang.

Quy định về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thì có thể bị xử lý theo những hình thức như sau (theo quy định tại Điều 49 về “Xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014):

– Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

– Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết;

– Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường;
– Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường;
– Cấm hoạt động;

– Xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 179/2013/NĐ-CP), thì với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị áp dụng chế tài theo ba hình thức: hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thu Hà (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị xả thải ra môi trường