Hải Phòng: Siết chặt quản lý tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Theo HPP|17/10/2017 02:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sớm chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái pháp luật

(Moitruong.net.vn) – UBND TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch về cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái pháp luật. 

Theo nội dung kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu ngành chức năng phải thống kê, rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang khai thác sử dụng tài nguyên nước lập hồ sơ xin phép khai thác, hồ sơ xin phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Đến năm 2020, cơ bản các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố phải có Giấy phép, chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái pháp luật. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ không lập hồ sơ xin cấp giấy phép sau khi được kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm, đồng thời đình chỉ hoạt động khai thác nước của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép khai thác, sử dụng nước trái quy định của pháp luật.

UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp giấy phép khai thác, tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đảm bảo đúng quy định.

Đối tượng phải xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Theo Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định những trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải xin cấp Giấy phép, gồm: trường hợp khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt của hộ gia đình; nước biển để sản xuất muối; nước phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học; trường hợp sử dụng cho phòng cháy chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp…

Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ phục vụ sản xuất, kinh doanh, hoạt động, dịch vụ không phải xin cấp Giấy phép như: khai thác nước dưới đất với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm và không thuộc các vùng mà mực nước đã bị suy giảm quá mức; khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1m3 /giây; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100m3/ngày đêm; khai thác sử dụng để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50kW; khai thác sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô không vượt quá 10.000m3/ngày đêm; phục vụ các hoạt động trên biển, đảo.

Ngoài các trường hợp đã nêu trên thì tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước khác đều phải lập hồ sơ xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo quy định, trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gồm: khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20m3/ngày đêm trở lên.

Theo HPP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Siết chặt quản lý tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước