Vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường

Hồng Tú|31/07/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự nỗ lực và chung tay của cả cộng đồng xã hội, cả nhân loại trên toàn cầu. Trong đó, báo chí là phương tiện truyền thông chủ lực.

tr23.jpg
Tháng 11/2017, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp với Đại học Huế tổ chức hoạt động đạp xe hưởng ứng cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống”

Vấn đề bảo vệ môi trường đang được quan tâm và coi như một nhiệm vụ cơ bản, cấp bách nhằm duy trì và phát triển bền vững xã hội hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường đã và đang đứng trước những thách thức to lớn. Vậy nên truyền thông môi trường trong đó cụ thể báo chí là một công cụ quan trọng của quản lý môi trường, nó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ hoặc hành vi của con người trong cộng đồng.

Thứ nhất, báo chí Việt Nam thực hiện chức năng là tham gia quản lý, giám sát, phản biện xã hội, là kênh thông tin chính thống góp phần phản ánh toàn diện và kịp thời thực trạng môi trường và các hoạt động quản lý môi trường, khơi dậy và định hướng xã hội về các vấn đề môi trường, phát hiện và phổ biến thông tin về các điển hình công tác thông tin về môi trường.

Thứ hai, nhờ tính đại chúng, tính công khai – minh bạch của báo chí đã làm tăng thêm sự quan tâm của công chúng đến vấn đề môi trường. Từ đó, dư luận xã hội được hình thành và thể hiện cụ thể trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Để đạt được điều đó, trước hết là sự nhiệt huyết, quyết tâm không ngừng của các nhà báo, phóng viên.

Thứ ba, báo chí đã tạo dựng dư luận xã hội nhằm thay đổi nhận thức và hành động của công chúng với môi trường từ những điều mắt thấy tai nghe, các phóng viên đã đến tận nơi quan sát và thu thập thông tin, phản ánh đưa tin lên báo chí những điểm nóng về môi trường. Càng có nhiều người tham gia thì dư luận xã hội càng lớn. Việc thể hiện dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung và thể hiện dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường nói riêng đều dựa trên yêu cầu thông tin đưa ra công luận phải dẫn đến sự tranh luận của công chúng, nghĩa là các thông tin đó trở thành điểm khởi đầu cho dư luận xã hội và có tính chất phản ánh, tính lợi ích của xã hội, tính cấp bách, tạo nên sự tranh luận.

Thứ tư, trên cơ sở nghiên cứu tập hợp, phân tích các ý kiến về một vấn đề môi trường, sau đó các tác phẩm báo chí ra đời dưới nhiều hình thức từ báo in, báo điện tử hoặc phát trên sóng phát thanh, truyền hình. Các chuyên mục này luôn thể hiện các vấn đề môi trường góc cạnh, chi tiết, sâu sắc, thẳng thắn với các nghiên cứu tập hợp, phân tích sắc bén. Đặc biệt, các phóng viên luôn đề cao sự tham gia của người dân, vừa góp phần tăng tính khách quan cho tác phẩm, vừa tạo điều kiện cho người dân được nói lên những tâm tư nguyện vọng của chính mình.

Thứ năm, báo chí là diễn đàn trao đổi thông tin giữa Nhân dân và Nhà nước. Báo chí mở diễn đàn ở trên các phương tiện truyền thông đại chúng để đăng tải các ý kiến, hay mở những diễn đàn trực tiếp góp phần thu thập ý kiến của người dân được công khai, minh bạch, phản ánh các vấn đề để người dân bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về vấn đề bảo vệ môi trường, ngoài ra cũng cung cấp những câu trả lời từ các nhà chức trách có thẩm quyền về giải đáp thắc mắc cho người dân. Ngoài ra, còn có các mục diễn đàn nhỏ để công chúng bày tỏ thái độ về vấn đề được đề cập đến; Cùng một sự kiện, vấn đề nào đó để tham khảo các ý kiến của người dân; hoặc phỏng vấn lấy ý kiến nhanh của các chuyên gia.

Thứ sáu, báo chí tích cực tuyên truyền chính sách liên quan đến môi trường (Luật Bảo vệ môi trường 2020, các Nghị quyết, Nghị định...của Đảng và Nhà nước) góp phần tuyên truyền rộng rãi chính sách đã, đang và sắp được thực thi đến nhân dân. Tránh những sai phạm, vi phạm pháp luật không đáng có liên quan đến môi trường. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về chính sách môi trường từ đó thực thi nghiêm chỉnh và đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra người dân là kênh thông tin phản ánh được thực tiễn khi đưa Luật hay Nghị quyết, Nghị định vào thực tế cuộc sống đã có những mặt tích cực và hạn chế như thế nào, góp phần vào công tác chỉnh sửa, bổ sung bộ Luật được hoàn chỉnh. Bộ Luật được sát và gắn với thực tiễn, việc làm như vậy phản ánh được đất nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.

Hiểu rõ những trách nhiệm của báo chí trong lĩnh vực môi trường, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cũng đã có những hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường như: Tổ chức thành công Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, “Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero 2050), từ cam kết đến hành động”. Tổ chức các buổi Tọa đàm về “Ngày nước Thế giới năm 2023: Thúc đẩy sự thay đổi”, “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ”, “Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” cùng các cuộc thi về môi trường như Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống”, …

Bên cạnh đó, là một Tạp chí có tôn chỉ mục đích về môi trường, đội ngũ biên tập viên, phóng viên của Tạp chí luôn quan tâm và khai thác những vấn đề nóng bỏng của lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tạp chí cũng luôn chú trọng vào công tác đăng tải tin, bài nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và nỗ lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; Thông tin về các sự cố, hiện tượng môi trường, biến đổi khí hậu; Tuyên truyền hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước; Tuyên truyền việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; Thông tin, tuyên truyền về các kịch bản biến đổi khí hậu và các hệ quả của nó ở Việt Nam cũng như trên thế giới; Tuyên truyền về các kết quả nghiên cứu khoa học, các dự báo, cảnh báo liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tin về các sự kiện, phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường; Các chương trình, dự án tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Phản ánh, phản biện các vi phạm về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; Biểu dương những điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, thông tin về những biện pháp để bảo vệ môi trường trong sản xuất và đời sống; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng kinh nghiệm địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu…

Báo chí là phương tiện truyền thông chủ lực. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường là chủ đề lớn, thậm chí là nóng bỏng của đời sống xã hội. Tài nguyên và môi trường là ngành liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của công dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, có thời điểm, gần như tất cả các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều đề cập đến một sự kiện, một hoạt động nổi bật của ngành. Bảo vệ môi trường lại là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự chung tay và nhiệt tâm của cả cộng đồng xã hội, cả nhân loại trên toàn cầu, là trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Do vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền về các chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường