Theo các chuyên gia khí tượng, nắng nóng dị thường, lập hàng loạt kỷ lục, đang bao trùm châu Á và xuất hiện tại một số nơi ở nước ta. Các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ ở khắp châu Á khi đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 4 tiếp tục bao trùm nhiều khu vực.
Ở Đông Nam Á, trong tuần này, một số nước đã báo động tình trạng nắng nóng và nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận. Trong đó, Lào là quốc gia mới nhất lập kỷ lục về nhiệt độ khi Luang Prabang ở mức 42,7 độ C hôm 18.4, đài CNN dẫn thông tin từ chuyên gia thời tiết Maximiliano Herrera.
Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất ở Thái Lan, nhưng sức nóng đã thúc đẩy nhiệt độ lên ngưỡng nóng nhất mọi thời đại ghi nhận ở nước này vào cuối tuần trước.
Ngày 14/4, Thái Lan lần đầu tiên vượt ngưỡng 45 độ C, cao nhất là 45,4 độ C tại thị trấn Tak trong dịp lễ đón năm mới của đất nước. Người dân Thái Lan được khuyến nghị nên ở trong nhà để tránh say nắng khi một số kỉ lục về nhiệt độ cao nhất mọi thời đại được thiết lập ở nước này.
Trong khi đó, hàng trăm trạm thời tiết trên khắp Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ tháng 4 nóng nhất trong lịch sử.
Chuyên gia khí hậu Jim Yang cho hay, vào ngày 17/4, 109 trạm thời tiết trên 12 tỉnh thành của nước này đã phá kỉ lục về nhiệt độ cao trong tháng 4. Có thêm 9 trạm thời tiết nữa đạt kỉ lục về nhiệt độ cao trong tháng 4. Nhiều nghiên cứu phát hiện biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tăng cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng ở Trung Quốc.
Ở những nơi khác tại châu Á, nhiệt độ lên tới 44,6 độ C vào ngày 17.4 tại Prayagraj, Ấn Độ. Ở Bangladesh, nhiệt độ cao tới 43,0 độ C ở Ishurdi, lập kỉ lục nhiệt độ tháng 4 nóng nhất. Khu vực Kalewa, Myanmar, thiết lập mức nhiệt cao mới trong tháng 4 là 44,0 độ C, trong khi Nepal lên tới 41,7 độ C.
Ở Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia cũng cập đầy đủ dữ liệu đến hết ngày 19-4 cho thấy, ở khu vực Tây Bắc bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.
Đáng chú ý, độ ẩm không khí nhiều nơi chỉ còn 20% (mức bình thường là 90%). Do đó, người dân cảm nhận cái nóng hầm hập, nhất là ở miền Trung.