Kênh truyền thông chính sách hiệu quả trong lĩnh vực môi trường

Thu Thủy – Thu Hà|31/07/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (01/8/2008 - 01/8/2023) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường - Thiếu tướng Trần Minh Lệ đã dành cho phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cuộc trao đổi về vai trò của công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền trên báo chí nói riêng, qua đó truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực môi trường nói riêng.

tr24.jpg
Thiếu tướng Trần Minh Lệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường

PV: Thưa Cục trưởng, công tác tuyên truyền lâu nay vẫn được coi là nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất mở đường về tư tưởng chính trị, góp phần xây dựng bảo vệ môi trường. Xin Cục trưởng có thể nói rõ hơn về vai trò của công tác tuyên truyền trên báo chí với công tác bảo vệ môi trường hiện nay?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương lớn về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tại Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định quan điểm tăng trưởng kinh tế luôn gắn kết với bảo vệ môi trường trong từng bước và từng chính sách phát triển và nhấn mạnh: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Trong công tác bảo vệ môi trường thì tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng. Qua tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Tuyên truyền ở nước ta là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về lực lượng tuyên truyền chuyên nghiệp, trong đó có các cơ quan báo chí. Ưu thế của thông tin báo chí là tính cập nhật, được chuyển tải một cách thường xuyên, liên tục, có khả năng tiếp cận với đông đảo các đối tượng bạn đọc.

Đối với lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, với trách nhiệm là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nói chung cũng như công tác phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về đấu tranh PCTP và các VPPL về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nói riêng, nổi bật đó là đơn vị luôn chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài lực lượng CAND và đặc biệt là Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình và kinh nghiệm hay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời phê phán các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Thông qua biện pháp tuyên truyền trên báo chí cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường.

PV: Xin Cục trưởng cho biết, với tầm quan trọng trên, công tác tuyên truyền trong vấn đề bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường hiện nay cần tập trung vào những nội dung gì?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Có thể nói, để giành thắng lợi trong công tác bảo vệ môi trường nói chung cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nói riêng, chúng ta cần phải huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân và cả hệ thống chính trị tích cực tham gia. Tại Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định phải “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường”. Đây là biện pháp được đánh giá là có hiệu quả lâu dài, quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Chúng ta cần xác định vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay không còn là trách nhiệm riêng của một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào mà nó trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Theo tôi, chúng ta cần tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ, như sau:
Thứ nhất, phải đảm bảo mục tiêu chung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi công dân, trong đó, đặc biệt chú trọng nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của các hành vi phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề bảo vệ môi trường nhằm góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức tự giác cho mỗi chủ thể xã hội tham gia và chấp hành đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, xác định mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp, đối tượng tuyên truyền. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm môi trường cần có kế hoạch cụ thể, cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, hình thức, nội dung, đối tượng tuyên truyền, và các điều kiện khác như lực lượng, cơ sở vật chất...

Thứ ba, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trong tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng bảo vệ môi trường. Để đảm bảo công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ môi trường giành thắng lợi, cần thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát PCTP về môi trường với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, với các cơ quan báo chí, truyền thông, đặc biệt là phối hợp với chính quyền các cấp. Cơ sở pháp lý cho việc thực hiện mối quan hệ phối hợp là các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

tr26.jpg
Tạp chí Môi trường và Cuộc sống luôn đa dạng các loại hình báo chí, đặc biệt là các sản phẩm truyền hình

Cùng với các giải pháp nêu trên, để công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ môi trường có hiệu quả các cơ quan chức năng cần có các hình thức khen thưởng kịp thời, xứng đáng với các cá nhân tổ chức có thành tích xuất sắc về bảo vệ môi trường, xây dựng các điển hình tiên tiến, xây dựng các mô hình đi đầu về công tác bảo vệ môi trường từ đó nhân rộng sang các địa phương, các cơ quan, ban ngành khác. Bên cạnh đó, đi đôi với việc khen thưởng khuyến khích các cá nhân, tổ chức, địa phương có thành tích là công tác phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm khắc các chủ thể vi phạm. Tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý hình sự, hành chính hay xử lý dân sự.

PV: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được áp dụng và đi vào thực tiễn từ 01/01/2022. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của báo chí nói chung và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nói riêng trong công tác tuyên truyền, định hướng đưa Luật tiếp tục đi sâu vào cuộc sống và phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Những năm qua, vấn nạn ô nhiễm môi trường, khí thải độc hại vượt ngưỡng báo động, khai thác đến mức cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên nhức nhối. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt đã hiện hữu trong đời sống con người, để lại những hậu quả lâu dài, đã và đang đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ mới cho nhân loại.

Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững phải được đặt lên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ trọng tâm khi tiến hành bổ sung, sửa đổi các chính sách pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục nâng cao nhận thức, khuyến khích sự thay đổi bằng hành động cụ thể, hướng đến các giải pháp tổng thể, trong đó ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn chặt với bảo vệ môi trường.

Thể hiện vai trò của mình, báo chí nói chung cũng như Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nói riêng đã nỗ lực rất lớn trong công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, tuyên truyền những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ môi trường, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường thay đổi thói quen ứng xử với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp và sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm qua.

Như chúng ta đã biết, việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 là một bước tiến mới trong việc đưa ra những quy định một cách rất toàn diện, đầy đủ, đồng bộ, với những chế tài chặt chẽ, sâu sát, cụ thể hóa công tác BVMT trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, đến tận các tầng lớp dân cư, hộ gia đình và mỗi người dân. Thực hiện Luật BVMT năm 2020 là công tác vừa cấp thiết, vừa lâu dài, liên quan mật thiết đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tác động đến quyền, lợi ích của các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh, đến tất cả các ngành, các cấp, đến tất cả mọi người dân... Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, truyền thông Luật BVMT 2020 là một công cụ đi trước, mở đường đồng thời trong suốt quá trình thực hiện Luật. Do đó, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông trên địa bàn rộng lớn nhất, có nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng, chi phối nhất, có vai trò quyết định thành công thực hiện Luật BVMT năm 2020. Đó là các địa bàn, khu vực dân cư, thôn, làng, ấp, bản và các hộ gia đình trên phạm vi cả nước.

tr25.jpg
Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tác nghiệp tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Xử lý rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà"

PV: Thời gian qua, xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình, cùng với hệ thống báo chí, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cục trưởng đánh giá thế nào về các hoạt động tuyên truyền, truyền thông của Tạp chí, cũng như có những góp ý để Tạp chí Môi trường và Cuộc sống ngày càng phát triển.

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Là một độc giả thường xuyên theo dõi Tạp chí Môi trường và Cuộc sống trong những năm qua, tôi nhận thấy Tạp chí đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; Thông tin về các sự cố, hiện tượng môi trường, biến đổi khí hậu; Tuyên truyền hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước; Tuyên truyền việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; Thông tin, tuyên truyền về các kịch bản biến đổi khí hậu và các hệ quả của nó ở Việt Nam cũng như trên thế giới; Tuyên truyền về các kết quả nghiên cứu khoa học, các dự báo, cảnh báo liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tin về các sự kiện, phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường; Các chương trình, dự án tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Phản ánh các vi phạm về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; Biểu dương những điển hình trong công tác bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, Tạp chí cũng đã có nhiều sáng tạo trong việc thể hiện thông điệp tuyên truyền như sử dụng các công cụ tác nghiệp báo chí hiện đại, tạo nên các sản phẩm báo chí hấp dẫn, có giá trị thay đổi nhận thức, định hướng dư luận, tạo hiệu ứng lan tỏa cao.

Trong thời gian tới, để làm tốt hơn vai trò trong bối cảnh bùng nổ về mạng xã hội và công nghệ thông tin hiện nay, theo tôi, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cần minh bạch hơn, khách quan, công bằng hơn trong tiếp cận và xử lý thông tin. Đặc biệt, lúc nào cũng phải bám theo tôn chỉ, mục đích về sứ mệnh của báo chí cách mạng và làm đúng theo tinh thần, chỉ đạo chung của Đảng, đúng theo quy định chung của pháp luật đối với các cơ quan báo chí. Mong rằng, trong thời gian tới, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống sẽ có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, tôi xin chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và giành được nhiều thành tích hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Cục trưởng!

* Tài liệu tham khảo:

- Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

- Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kênh truyền thông chính sách hiệu quả trong lĩnh vực môi trường