Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Quy hoạch, quản lý tài nguyên nước hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Nam Anh|05/11/2021 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nguồn nước dưới đất suy thoái, cạn kiệt làm gia tăng nhu cầu khai thác nước mặt. Trong khi đó, nhiều lưu vực sông trên cả nước đang ô nhiễm. Thực trạng này ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế – xã hội. Từ đó, cần có những giải pháp, kế hoạch cụ thể trong công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên nước hướng đến sử dụng nguồn nước hiệu quả và phát triển bền vững. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Việt Nam luôn khẳng định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và khu vực để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của Thế giới và khu vực.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

PV: Nguồn nước ngầm bị suy thoái, cạn kiệt. Trong khi đó, nhiều lưu vực sông trong cả nước đang ô nhiễm. Thưa bà Nguyễn Thị Kim Anh, chúng ta cần có kế hoạch phân bổ nguồn nước mặt và nước ngầm như thế nào để sử dụng hợp lý, bảo vệ nguồn nước hiệu quả?.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Nước có tầm quan trọng trong mọi mặt của đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Nếu không có ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước hợp lý, có trách nhiệm thì tất yếu sẽ dẫn đến thiếu nước, đến một thời gian nhất định chúng ta sẽ phải mua nước sạch để sử dụng.

Với tư cách là cơ quan thẩm tra, là cơ quan của Quốc hội về lĩnh vực công nghệ – môi trường, trong đó có tài nguyên nước, chúng tôi thấy rằng định hướng của Chính phủ về hạn chế khai thác nước ngầm là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Việc quản lý, khai thác phải đảm bảo, gắn với mục tiêu an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, phân bổ tài nguyên nước phải được xem xét trong tổng thể quy hoạch tài nguyên nước, trong đó nguồn cấp nước sinh hoạt phải được ưu tiên hàng đầu và hài hòa lợi ích giữa các ngành kinh tế cũng như môi trường sinh thái.

Kịch bản phân bổ tài nguyên nước trong trường hợp cực đoan, tiêu cực cũng cần được tính đến. Trong các loại hình an ninh phi truyền thống, an ninh nguồn nước cần phải được nhấn mạnh. Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhằm nâng cao ý thức việc bảo vệ, sử dụng, khai thác nguồn nước có trách nhiệm.

Quy hoạch của các bộ, ngành và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương có sử dụng tài nguyên nước phải rà soát gắn với tài nguyên nước, bảo vệ, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, không vượt quá ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước. Sử dụng nước tổng hợp, đạt mục tiêu hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng quyền lợi và nghĩa vụ giữa các tổ chức cá nhân.

Ngoài ra, tôi cho rằng, cần phải xây dựng chiến lược khai thác nguồn nước hài hòa với nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Triển khai các giải pháp bổ sung nguồn nước mặt thay thế cho nước ngầm, phục vụ sinh hoạt, sản xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng.  Phải sử dụng nước tuần hoàn, ví dụ nước sinh hoạt tái tạo để tiếp tục sử dụng cho lĩnh vực khác.

Đặc biệt, cần rà soát tổng thể về nước ngầm đã đến mức phải cảnh báo hay chưa, từ đó xác định ngưỡng khai thác nguồn nước ngầm. Kiểm soát, hạn chế khai thác nguồn nước ngầm cũng như hạn chế ô nhiễm nước ngầm. Cùng với đó là bảo vệ, phát triển rừng, đó là nơi tạo ra và giữ nguồn nước ngầm bền vững nhất.

PV: Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong sản xuất và đời sống “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” đến năm 2030, chúng ta cần kế hoạch hành động như thế nào, thưa bà Nguyễn Thị Kim Anh?

Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Để nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, đầu tiên, tôi cho rằng cần có giải pháp về xây dựng tài nguyên nước có tầm nhìn dài hạn, hài hòa với điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, hoặc khai thác hiệu quả với nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, bảo đảm cấp nước sạch cho sinh hoạt, ưu tiên cấp nước hợp vệ sinh cho khu vực hay xảy ra thiên tai, vùng khó khăn, vùng nguồn nước ô nhiễm.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là Luật Tài nguyên nước 2012. Việc ban hành văn bản là việc đầu tiên để hoàn thiện thể chế, thực thi văn bản này để làm sao thực hiện có hiệu quả, đó là trách nhiệm của tất cả các cơ quan đến từng người dân. Hiện tại, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước cũng như các luật quản lý tài nguyên nước nói chung. Chúng tôi đề nghị sớm nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, từ đó đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thứ ba, như ý kiến các chuyên gia đã nói, bên cạnh nguồn lực Nhà nước là chủ đạo, ưu tiên cho sử dụng nước, thì phải có sự đẩy mạnh cũng như tạo điều kiện, khuyến khích để cho các tổ chức, thành phần kinh tế hỗ trợ, đầu tư phát triển đối với lĩnh vực nước. Hay nói cách khác, là xã hội hóa công tác này để giúp cho tổ chức, cá nhân, các nguồn lực mạnh lên.

Để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào quản trị nước, một trong những vấn đề Nhà nước có thể làm được ngay đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình cũng như mở rộng đối tượng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để các tổ chức cá nhân có mong muốn hỗ, trợ đầu tư lĩnh vực này thì có thể tham gia được. Trong đó, xác định nước là hàng hóa thiết yếu cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Xây dựng cơ chế đóng góp của người dân khi tham gia đấu nối, sử dụng nước đảm bảo công bằng, minh bạch và nâng cao ý thức cộng đồng.

Thứ tư, cần tập trung phát triển hạ tầng để khai thác, sử dụng nước bền vững, đồng bộ như nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng khai thác trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ. Ví dụ như Isarel, không phải là đất nước dồi dào nguồn nước, nhưng họ lại chủ động được nguồn nước. Chuyển đổi số rất quan trọng, nơi có nước và nơi không có nước phải điều tiết như thế nào để phù hợp. Sử dụng, khai thác nước phải phù hợp, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thứ năm, cần đầu tư xây dựng các công trình chứa nước. Một trong những nơi chứa nước đó là ao hồ công trình thủy lợi, phải có giải pháp chủ động tích trữ nước khi các công trình này xuống cấp. Có thời kỳ phát triển công nghiệp, các công trình nhà ở, khu công nghiệp đã phá vỡ đầm, ao, hồ. Phải có quy hoạch để hài hòa tất cả các ngành nghề để có hệ thống công trình tích trữ, chủ động được về nguồn nước. Chuyển nước từ nơi thừa sang thiếu, tạo nguồn nước sạch ổn định cho các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước….

Thứ sáu, cần thu hút nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước, đầu tư, xây dựng, vận hành, giám sát công trình chất lượng nước. Nội dung này tại điều 6 của Luật Tài nguyên nước quy định đại diện cộng đồng dân cư được lấy ý kiến, giám sát hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Chúng tôi cũng mong muốn tổ chức đầu tư cũng như chính quyền địa phương tăng cường tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia giám sát bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước.

Quản lý tài nguyên nước để phát triển bền vững

PV:Theo bà cần có những giải pháp gì trong việc đánh giá nguồn tài nguyên nước để quản lý cho phù hợp, bảo đảm sử dụng hiệu quả, hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội đồng thời hạn chế ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt nguồn nước?

Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Nước là tài nguyên hữu hạn, chúng tôi đánh giá nước vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Nếu chúng ta hành động đúng và trúng thì sẽ tạo thành động lực lớn. Ngược lại hành động không đúng thì sẽ đẩy lùi sự phát triển. Đánh giá tài nguyên nước để quản lý phù hợp là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách hiện nay. Chúng tôi đánh giá, trong những năm qua công tác quản lý tài nguyên nước đạt được những thành tựu cụ thể, đảm bảo an sinh, sức khỏe, chất lượng cuộc sống, ở mức độ nước vẫn đang trong tầm kiểm soát. Nước sạch của người dân là yêu cầu tất yếu, do đó cần thiết đánh giá tài nguyên nước theo lưu vực sông, theo hiện trạng, phân vùng sử dụng nước và phân vùng hệ thống”.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 183/QĐ-TTg về Đề án tổng thể kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đến năm 2025. Khi kiểm kê, chúng ta sẽ đánh giá được chất lượng, từ đó có những hành động phù hợp. Chúng tôi đánh giá cao quyết định này, đây là cơ sở khoa học để thực hiện giải pháp tối ưu trong khai thác và bảo vệ nguồn nước, sắp xếp, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nguồn nước trong bối cảnh đất nước còn hạn chế về nguồn lực.

Bên cạnh rà soát tổng thể nguồn nước, hoạt động cấp nước sạch toàn quốc, một số giải pháp cần tính đến như xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ đầu tư cấp nước sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến như thu, trữ, xử lý, tái sử dụng nước, hạn chế thất thoát nước và sử dụng nước tiết kiệm là một trong những hoạt động thiết yếu hàng đầu. Bên cạnh đó, tuyên truyền tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để giúp cho hoạt động quản lý nước được tốt.

Với tầm quan trọng đó, mới đây Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”. Đây là vấn đề an ninh phi truyền thống, bên cạnh những vấn đề an ninh mạng, dịch bệnh… Trong nội dung đề án này tập trung giải pháp đầy đủ để sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nước. Theo đó, Chính phủ đề nghị 10 giải pháp như: huy động nguồn lực tổ chức, nguồn lực xã hội hóa để chủ động cấp tưới tiêu thoát nước, an toàn đập, hồ chứa nước; đảm bảo thực hiện đa mục tiêu đối với công trình thủy lợi, phòng chống giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai, khí hậu, bảo vệ phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế như truyền thông để giúp cho cơ quan, tổ chức xã hội, đặc biệt là người dân thấy được tầm quan trọng của đề án này.

Bên cạnh việc Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, thì Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đang báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sẽ đề nghị Quốc hội có Nghị quyết riêng về vấn đề an ninh nguồn nước; từ đó giúp cho toàn dân, các tổ chức xã hội chung tay thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, trong một vài năm tới, chúng tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Tài nguyên nước cũng như các luật có liên quan đến tài nguyên để phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển hiện nay, giúp cho việc quản lý tài nguyên nước đảm bảo tiết kiệm, khai thác nước hiệu quả, để người dân đều bình đẳng trong sử dụng nước, ai cũng có cơ hội sử dụng nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Bà!

Nam Anh

Bài liên quan
  • TSKH Nghiêm Vũ Khải: Cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả để đảm bảo an ninh nguồn nước
    Moitruong.net.vn – Hiện nay, các chính sách, quy định chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước, dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nước không tiết kiệm, dẫn đến thất thoát, lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với TSKH Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Quy hoạch, quản lý tài nguyên nước hướng đến mục tiêu phát triển bền vững